Sẽ có 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn thông tin
Giới chuyên gia và cơ quan quản lý đều đồng tình rằng, để bảo đảm an toàn thông tin thì không thể trông cậy vào mỗi công nghệ. Trên thực tế, chính yếu tố con người và quy trình bảo vệ thông tin còn giữ vai trò quan trọng hơn nhiều.
Theo thống kê của Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), trong số các sự cố mất an toàn – an ninh thông tin thống kê được tại Việt Nam trong năm 2013 thì lỗi do con người chiếm tới… 62%. Trong số này, 52% là do con người yếu về chuyên môn nghiệp vụ nói chung, còn 10% là do thiếu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp (mà không trung thực là một trong những biểu hiện).
Chính vì thế, vấn đề đào tạo nhân lực an toàn thông tin luôn nóng bỏng và đòi hỏi những kế hoạch hành động dài hạn, khẩn cấp từ phía cơ quan quản lý, nhất là khi những khảo sát do Bộ TT&TT tiến hành đều cho thấy nhu cầu về nhân lực an toàn thông tin đang vượt quá xa nguồn cung tiềm năng, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT) chia sẻ. Hiện tại, đa phần cán bộ phụ trách CNTT của các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đều chưa được bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ an toàn thông tin. Hoạt động đào tạo chính quy về an toàn thông tin tại Việt Nam có quy mô nhỏ, không thể đáp ứng nổi yêu cầu thực tế. Số lượng cơ sở giáo dục đại học đào tạo kỹ sư, cử nhân chuyên ngành an toàn thông tin là rất ít.
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh, Ai len, Trung Quốc từ lâu đã chú trọng đến việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin. Gần đây nhất, vào tháng 8/2014, Singapore cũng tuyên bố thông qua kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin. Trọng tâm của kế hoạch này là giao nhiệm vụ cho 10 cơ sở giáo dục đại học tại Singapore mở chuyên ngành kỹ sư/cử nhân an toàn thông tin và sẽ bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2015-2016.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định số 99 (ngày 14/1/2014) để phê duyệt Đề án Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020. Đề án này đặt ra 4 nhóm mục tiêu cần đạt được vào năm 2020, đồng thời lựa chọn ra 8 cơ sở đào tạo “trọng điểm” về an toàn thông tin, bao gồm: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học Viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông, Trường Đại học CNTT – Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia HN; Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng và Học viện An ninh nhân dân (Bộ Công an)
Để triển khai đề án này, ngày 6/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng đã ký quyết định thành lập Ban điều hành Đề án với thành viên đến từ các Bộ TT&TT, Giáo dục – Đào tạo, Công an, Quốc phòng, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Khoa học & Công nghệ. Trong đó, Cục An toàn Thông tin được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban Điều hành.
Xây dựng lực lượng tác chiến?
Mục tiêu của Đề án 99 nêu rõ, đến năm 2020 sẽ đưa được 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về an toàn thông tin ở nước ngoài, trong đó có 100 tiến sỹ; Đào tạo được 2000 học viên có trình độ Đại học trở lên về an toàn thông tin chất lượng cao; Đưa được 1500 lượt cán bộ chuyên trách về ATTT đi đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài để cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ; Tập huấn, đào tạo ngắn hạn cho 10.000 lượt cán bộ ATTT và CNTT trong các cơ quan Nhà nước.
Tại phiên họp đầu tiên của Ban Điều hành diễn ra vào chiều 15/9, các bên liên quan đã thảo luận nhiều vấn đề, vướng mắc liên quan đến khâu triển khai Đề án, đặc biệt là những khó khăn về tài chính. Một số ý kiến cho rằng nhóm đối tượng cán bộ trong phạm vi có thể cử đi đào tạo khá hạn chế nên không thể đáp ứng đủ cho mục tiêu mà Đề án 99 đã đặt ra, hơn nữa nhu cầu đào tạo tại các địa phương cũng không chỉ giới hạn ở các Sở TT&TT mà nhiều cơ quan, bộ phận khác cũng có nhu cầu, đặc biệt là khi dịch vụ chính quyền điện tử bắt đầu được triển khai rộng rãi.
Ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học (Bộ GD&ĐT) thì nghiêng về quan điểm rằng đào tạo nhân lực ATTT nên tập trung vào xây dựng lực lượng tác chiến, đặc nhiệm có thể đối phó, trực chiến với sự cố hàng ngày, thay vì đào tạo lý thuyết, tiến sĩ. Đồng thời, ông cũng cảnh báo cơ quan quản lý cần lường trước tình trạng Nhà nước bỏ tiền ra đào tạo tiến sĩ thay cho doanh nghiệp. Theo vị đại diện của Bộ GD&ĐT thì Ban Điều hành nên chọn Học viện Mật mã làm “đầu tàu” vì tính chất của cơ sở đào tạo này là “thiện chiến nhất”.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng yêu cầu Ban Điều hành cần tiếp thu và thể hiện các ý kiến đóng góp vào chương trình công tác sắp tới, tuy nhiên, cần tiết kiệm tối đa thời gian để có thể triển khai ngay một số nội dung hành động từ đầu năm 2015. Đặc biệt, những cơ sở đào tạo có độ sẵn sàng cao có thể sẽ được ưu tiên rót kinh phí đầu tư nâng cấp trước.